18/02/2017
Ngành cơ khí là công nghiệp nền tảng có vai trò và vị trí rất quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, tuy nhiên, hầu hết các dự án công nghiệp dùng cơ chế chỉ định thầu hoặc cơ chế đấu thầu giá thấp đều lọt vào tay các nhà thầu Trung Quốc.
Hiệp hội DN Cơ khí VN (VAMI) trong nhiều năm qua đã nhiều lần kiến nghị Chính phủ cần có biện pháp giám sát, kiểm tra chế tài việc nhiều dự án trọng điểm quốc gia như: Nhiệt điện, khai khoáng, xi măng do nhà thầu TQ mà không tạo điều kiện cho thầu phụ VN và đặc biệt sử dụng tất cả thợ và lao động phổ thông trong công trình.
DN Việt có đủ sức?
Ngay từ năm 2007 khi việc nhà thầu TQ thắng thầu một công trình xi măng ở Ninh Bình do một nhà đầu tư tư nhân mua thiết bị Trung Quốc, VAMI đã đề nghị cần phải có các chế tài mạnh mẽ để hạn chế việc sử dụng lao động phổ thông và thiết bị phụ trợ trong nước đã sản xuất và chế tạo được. Chúng tôi luôn cho rằng phải chọn các nhà thầu có năng lực thực sự về công nghệ bảo đảm chất lượng sản phẩm tốt, cơ chế quản lý tiên tiến và có cam kết sử dụng lực lượng cơ khí trong nước tham gia chế tạo lắp đặt thì khả năng và điều kiện phát triển ngành cơ khí chế tạo thiết bị đồng bộ trong nước mới có thể tiến bộ kịp với khu vực.
Liệu DN Việt có đủ sức? Câu trả lời là có! Kinh nghiệm của 15 năm qua khi các nước G7 làm tổng thầu tại VN, họ giao cho các thầu phụ cơ khí trong nước khoảng 15 - 20% giá trị công trình là sản phẩm cơ khí chế tạo tại VN và là điều kiện để các nhà sản xuất cơ khí trong nước có khả năng tăng thêm đầu tư các thiết bị dây chuyền công nghệ tiên tiến ở châu Âu, cũng như rèn luyện tay nghệ, tác phong công nghiệp và trình độ quản lý tiên tiến. Thông qua các chứng chỉ về yêu cầu quản lý chất lượng như: ISO 9001-2000, U, S1, S2, ASME mà tổng thầu yêu cầu các nhà thầu phụ phải có để đáp ứng trình độ quản lý phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế. Các nhà thầu Trung Quốc thì không và thậm chí việc quản lý công trình của họ còn luộm thuộm và không theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn thông dụng quốc tế.
Một mặt các DN trong nước thực sự cũng chưa đủ mạnh ngoài các TCty Lilama, Sông Đà, PTSC… đảm đương một phần việc tham gia cùng với các nhà thầu nước ngoài để đấu thầu quốc tế thì việc phải có cơ chế chỉ định thầu mới có cơ hội cho các nhà thầu trong nước tham gia làm tổng thầu để có thể trưởng thành. Từ năm 2007, Hiệp hội đề xuất cho cộng đồng DN cơ khí nhận nhiệm vụ thiết kế, chế tạo, lắp đặt cơ khí thủy công của khoảng 20 dự án thủy điện kể cả một phần thủy điện Sơn La. Chỉ sau khi được chỉ định thực hiện các dự án thủy điện trình độ thiết kế, tư vấn của một số viện thiết kế trong nước như viện Narime đã được nâng lên rõ rệt, tự chủ hoàn toàn thiết kế thiết bị thủy công (sau quá trình hợp tác với viện thiết kế thủy công Zaporoge - Ucraine).
Khi đề xuất việc thiết kế, chế tạo giàn khoan cho khai thác dầu khí và được Nhà nước chỉ định tổng thầu cho PVN thì sau gần 30 tháng, 1 Cty của PVN (PV Shipyard) đã hoàn thành chế tạo giàn khoan tự nâng 90 m nước giá trị trên 200 triệu USD và đưa vào khai thác có hiệu quả. Hiện nay đội ngũ cán bộ công nhân viên của Cty này đang tiếp tục thiết kế, thi công giàn khoan thứ hai có độ sâu 125m nước giá trị gấp 1,5 lần giàn khoan trước và được tin PVN còn chủ trương giao để đơn vị này làm giàn khoan cỡ HD 981 vào quý IV năm 2014 tại cơ sở của công ty ở Vũng Tầu.
Cấp thiết tăng tỉ lệ nội địa hóa
Từ thực tiễn kể trên, chủ trương tăng dần tỷ lệ nội địa hóa trong các công trình công nghiệp là cấp thiết. Còn nhớ, tháng 3/2011, Hiệp hội đề xuất thực hiện chỉ thị 734/TTg là phải bóc tách các dự án lớn mà trước đây chỉ giao cho 1 tổng thầu nước ngoài làm cả thì phải tìm ra những phần việc thành phần trong dự án mà trong nước có thể thiết kế, thi công. VAMI đề xuất Chính phủ cho làm một số nhà máy nhiệt điện chạy than để DN trong nước kết hợp với các nhà thiết kế nước ngoài hợp tác trong việc nhận thiết kế, chế tạo thiết bị phụ của các nhà máy điện chạy than. Chính phủ đã có Quyết định 1791 giao cho thí điểm làm 3 nhà máy nhiệt điện: Quảng Trạch 1, Sông Hậu 1, Quỳnh Lập 1. Với cơ chế này chúng ta có thể nội địa hóa tơi 25 ÷ 30% giá trị công trình, 60 ÷ 70% khối lượng thiết bị và sau đó tỷ lệ nội địa hóa tăng lên về giá trị từ 60 ÷ 70% khối lượng lên tới 80 ÷ 90%. Đây là bước đi ban đầu rất quan trọng để lực lượng thiết kế, chế tạo thiết bị đồng bộ trong nước có điều kiện phát triển dần dần và làm chủ được nhiều dự án nhiệt điện trong chương trình phát triển điện lực theo quy hoạch 7 đến năm 2025 với khoảng 52 nhà máy nhiệt điện.
Trước việc nhiều dự án tổng thầu Trung Quốc làm tại VN có những gián đoạn trục trặc, VAMI đã gửi báo cáo lên Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ đề nghị cho chủ trương kiểm tra lại toàn bộ các dự án công nghiệp do Trung Quốc đang thi công dở dang để huy động lực lượng trong nước kết hợp với các nhà thầu nước ngoài khác hoàn chỉnh các dự án này. Đây là một thách thức lớn song cũng là cơ hội để các nhà thiết kế và xây lắp trong nước vượt lên chính mình trong sự nghiệp xây dựng đất nước trở thành một nước văn minh, cường thịnh tồn tại bên cạnh nước láng giềng đầy bất trắc.
Theo OKS - One Key Services
0 nhận xét