18/02/2017
Hơn 20 sản phẩm công nghệ của các tác giả vừa là nhà khoa học chính hiệu vừa là “nhà khoa học không chuyên” đã được quy tụ từ nhiều địa phương để có mặt trong Chợ công nghệ và thiết bị 2012 tại Hà Nội. Nhiều sản phẩm trong số đó mặc dù không phải là đề tài nọ dự án kia và không được đầu tư tài chính lớn nhưng thực sự lại rất có giá trị trong hoạt động sản xuất tại địa phương.
Những người làm ra nó cũng đã rất tâm huyết và mất nhiều công sức nhưng vì nhiều lý do mà những sản phẩm này không hoặc chưa có mặt rộng rãi trong thực tế sản xuất, trong đời sống con người. Nguyên nhân đấy là gì? Chúng ta hãy cùng nghe chính những người làm ra nó tâm sự:
PGS.TS.Hồ Hữu An (người đeo thẻ) đang giới thiệu sản phẩm rau an toàn cho khách tham quan tại Chợ công nghệ và Thiết bị Việt Nam 2012 |
Nếu ai hay đi chợ công nghệ trong những năm qua hẳn không xa lạ gì với những mô hình trồng rau sạch (rau an toàn) công nghệ cao của PGS.TS.Hồ Hữu An, nguyên là cán bộ giảng dạy của Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội (nay ông đã chuyển sang công tác tại Đại học Thành Tây).
Công nghệ trồng rau sạch đã được PGS.TS.Hồ Hữu An công bố từ năm 2003, khi ông còn công tác tại Trường đại học Nông nghiệp. Từ ngày đó đến nay, cứ mỗi dịp có chợ công nghệ do Bộ KH&CN tổ chức ở Hà Nội hay ở các tỉnh xa ông vẫn mang sản phẩm đến giới thiệu với người dân. Gian hàng của ông lúc nào cũng thu hút rất đông người tìm hiểu. Các phương tiện truyền thông trong nhiều năm qua cũng đã nhiều lần giới thiệu về công nghệ này. Tuy nhiên, khi được hỏi về lượng sản phẩm đến được tay người tiêu dùng thì ông An cho biết là không đáng kể. Ông An ví việc nhà khoa học muốn bán được sản phẩm của mình hiện nay giống như người vừa xay lúa vừa bế con. Là nhà khoa học chuyên nghiệp nhưng ông lại không chuyên trong việc bán hàng và lại không có điều kiện triển khai một cách tốt nhất cho việc bán sản phẩm. Đặc việt, PGS.TS.Hồ Hữu An cho biết với mô hình sản phẩm này khi xem trưng bày người dân đã có thể bắt chước được phần nào nên có người sẽ tự làm lấy, mặc dù quy trình và kỹ thuật không đảm bảo như của mình. Mặt khác nhu cầu sử dụng sản phẩm này chủ yếu là người dân trong nội thành nhưng hiện sản phẩm của ông lại có mặt ở ngoại thành (do trong nội thành không có diện tích đất) nên cũng có nhiều bước cản để đến được tay người tiêu dùng. Đây cũng là cái khó của ông gần 10 năm qua. Giờ này ông chỉ ước có ai đó, hay tổ chức nào đó tạo điều kiện cho ông có 50m2 đất trong nội thành Hà Nội để ông xây dựng cơ sở sản xuất ra các mô hình trưng bày sẵn (hiện ông có 5 mô hình cho người dân lựa chọn) để người dân xem và mua hàng.
Máy cán ép vỏ lon bia - 1 trong những sản phẩm do các “nhà khoa học không chuyên” Quảng Trị mang đến Hội chợ |
Ông Phan Văn Lệ đến từ Vĩnh Linh-Quảng Trị, là tác giả của máy tuốt hạt tiêu, máy nhổ sắn. Xuất phát từ nhu cầu thực tế hoạt động sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân, ông Lệ vốn là một người thợ hàn cơ khí đã mày mò chế tạo ra những sản phẩm rất có ý nghĩa cho bà con. Tuy không phải đầu tư nhiều tiền nhưng mỗi cái máy ông cũng mất 1 năm rưỡi mới hoàn thành được. Mỗi lần đi trưng bày giới thiệu sản phẩm tại các kỳ hội chợ ở Hà Nội hay các địa phương sản phẩm của ông đều được đón nhận. Ông có thể bán được luôn mấy cái, nhưng ông bảo bán được thế không hẳn đã mừng vì khi mua máy về địa phương người ta bắt chước làm theo cái của mình. Như vậy, hàng của ông đang bị làm nhái nhưng ông cũng chẳng làm gì được vì không có bảo hộ sản phẩm. Ông bảo giá thành mỗi cái máy bán ra chỉ được khoảng 7 triệu đồng nhưng nếu làm bảo hộ sản phẩm cấp quốc gia phải mất mấy chục triệu cộng với nhiều thủ tục và thời gian kéo dài. Có khi mình chưa kịp làm xong bảo hộ đã bị người ta làm nhái. Nên ông mong muốn được Nhà nước tạo điều kiện cho những sản phẩm như của ông được bảo hộ sản phẩm. Ông Lệ cũng cho biết, với những người như ông phải vay lãi suất ngân hàng chính sách lên đến 1,75%/tháng thì bán được máy cũng chỉ hòa vốn.
Ks.Đoàn Minh Chấn, chủ tịch HĐQT Công ty TNHH SILICAT Việt An (Hải Phòng) lại vướng vào cái khó khác. Bản thân ông cũng đã nghiên cứu sản xuất thành công nhiều sản phẩm như: Công nghệ và thiết bị sản xuất thủy tinh nước thế hệ mới; Công nghệ và thiết bị sản xuất men Frit dùng cho gạch ốp lát Ceramic và Granit bằng lò quay đốt dầu (đã nhận được Giải thưởng Vifotec 2006),… Các sản phẩm “made in Vietnam” chính hiệu này có giá thành rẻ hơn nhiều so với nhập ngoại mà hiệu quả kinh tế không hề thua kém nhưng gần 10 năm sản phẩm có mặt trên thị trường Ks.Đoàn Minh Chấn vẫn thấy còn nhiều trăn trở. Đó là việc thương mại hóa sản phẩm chưa được nhiều. Nền kinh tế trong 2 năm trở lại đây đã khiến nhu cầu sử dụng sản phẩm ít đi. Nhưng theo ông Chấn đấy chỉ là yếu tố khách quan, cái chính là nhiều khi khó mà thuyết phục được khách hàng sử dụng hàng Việt Nam.
Là một nhà khoa học ông đã mạnh dạn lập doanh nghiệp để tìm cách tiêu thụ sản phẩm nhưng theo ông với doanh nghiệp nhỏ mà ông đang chèo lái hiện nay phải vay lãi suất ngân hàng 13%/năm là quá cao, nếu sản xuất ra hàng không tiêu thụ được coi như lỗ. Một lúc thực hiện hai vai trò nhiều khi ông thấy việc làm doanh nhân tốt còn khó
hơn là chuyên tâm nghiên cứu khoa học vì đầu ra rất quan trọng, quyết định việc thành công hay không của nhà khoa học. Hơn 10 năm lăn lộn với nghề nay ông rất mong được Nhà nước quan tâm nhiều hơn đến những nhà khoa học như mình bằng các chính sách tốt hơn nữa để vừa phát triển bản thân vừa có đóng góp cho sự phát triển kinh tế-xã hội của nước nhà.
Hơn 3.000 công nghệ và thiết bị có hàm lượng công nghệ cao được chào bán tại chợ công nghệ lần này là một con số đáng mừng cho thấy năng lực khoa học nội sinh cũng ngày càng lớn mạnh. Nhưng nhiều tác giả làm ra nó vẫn còn đau đáu một vấn đề rất lớn là làm thế nào để sản phẩm của mình được đưa ra thị trường một cách thuận lợi, xứng đáng với công sức mà họ đã đầu tư nghiên cứu nó.
Theo OKS - One Key Services
0 nhận xét