18/02/2017
Ở các nước phát triển, đào tạo nghề luôn gắn với doanh nghiệp nhằm thu hẹp khoảng cách tới mức thấp nhất có thể giữa kiến thức, kỹ năng được trang bị trong trong các trường nghề và nhu cầu sử dụng lao động trong các doanh nghiệp. Mối quan hệ của các cơ sở đào tạo nghề với các doanh nghiệp ở nước ta hiện nay còn khá lỏng lẻo, điều đó cũng đã gây ra những hạn chế nhất định đối với học sinh, sinh viên khi tốt nghiệp các cơ sở dạy nghề khi được tuyển dụng vào làm việc trong các doanh nghiệp.
PGS.TS.Dương Đức Lân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề đã chia sẻ với Tạp chí Tự động hóa ngày nay về vấn đề này.
PGS.TS. Dương Đức Lân |
PV: Trong vài năm trở lại đây, tại Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực nào trong đào tạo nghề, thưa ông?
PGS.TS. Dương Đức Lân: Có nhiều chuyển biến tích cực về đào tạo nghề trong những năm gần đây. Khóa sinh viên cao đẳng nghề đầu tiên đã tốt nghiệp năm 2010 kể từ khi có Luật dạy nghề. Thật đáng mừng là sinh viên tốt nghiệp cao đẳng nghề được các doanh nghiệp đón nhận và đánh giá tốt. Hầu hết các sinh viên học các nghề kỹ thuật có việc làm ngay tại lễ tốt nghiệp với mức lương khởi điểm bình quân là 3,3 triệu đồng/tháng.
Mối quan hệ giữa cơ sở dạy nghề và doanh nghiệp cũng đã có chuyến biến tích cực. Thể hiện rõ nhất là việc thực tập của học sinh, sinh viên các trường nghề tại các doanh nghiệp. Trước đây các sinh viên xin thực tập tại doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn thì nay các doanh nghiệp đã chủ động đến trường xin sinh viên thực tập. Tại Hà Nội, Tp.HCM và những nơi có các khu công nghiệp, sinh viên được doanh nghiệp hỗ trợ tiền ngay trong thời gian thực tập với mức phổ biến là vài triệu đồng/tháng. Sự thay đổi này chứng tỏ các doanh nghiệp đang có nhu cầu cao về tuyển dụng và sử dụng lao động có kỹ năng nghề.
PV: Sự chuyển biến tích cực trong mối quan hệ giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp nêu trên có lẽ mới chỉ là kết quả bề nổi. Thực ra mối quan hệ này vẫn còn nhiều khó khăn và khác xa so với các nước EU, theo ông là tại sao?
PGS.TS. Dương Đức Lân: Theo tôi, bước đầu mối quan hệ giữa trường nghề và doanh nghiệp có được cải thiện. Tuy nhiên đó mới chỉ là mối quan hệ nảy sinh trong bối cảnh doanh nghiệp đang rất thiếu lao động có tay nghề. Việc xây dựng mối quan hệ này một cách thường xuyên, gắn bó, bền vững, lâu dài và hiệu quả cần phải được thực hiện trên cơ sở của các cơ chế chính sách và các định chế mang tính ràng buộc và thể hiện rõ các lợi ích của cả trường nghề và doanh nghiệp. Ở nước ta, đào tạo nói chung và dạy nghề nói riêng vẫn theo kiểu hướng cung là chủ yếu, nghĩa là dạy theo những gì mà nhà trường có sẵn chứ không phải là dạy những gì mà doanh nghiệp cần. Vài năm gần đây, dạy nghề đang chuyển dần sang hướng cầu, tức là dạy các kiến thức, kỹ năng theo nhu cầu của doanh nghiệp, việc chuyển biến này đã có những kết quả ban đầu, nhưng còn rất nhiều nhiều thách thức.
PV: Vậy tới đây chúng ta cần làm gì để khắc phục nhược điểm này?
PGS.TS. Dương Đức Lân: Quyết định 630/QĐ-TTg Phê duyệt Chiến lược phát triển Dạy nghề thời kỳ 2011 - 2020 của Thủ tướng Chính phủ (ký ngày 29/5/2012) đã nhấn mạnh đến giải pháp tăng cường mối quan hệ giữa cơ sở đào tạo nghề và doanh nghiệp. Đây sẽ là cơ sở để hiện thực hóa mối quan hệ này tốt hơn. Chúng tôi sẽ đẩy mạnh việc chuyển toàn bộ hệ thống dạy nghề từ hướng cung sang hướng cầu để đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu lao động có kỹ năng nghề cho các doanh nghiệp. Đây là nhiệm vụ rất khó khăn vì phải chuyển đồng bộ về tư duy dạy nghề, quy trình dạy nghề, chương trình, giáo trình, giáo viên....một cách linh hoạt theo nhu cầu của doanh nghiệp.
PV: Sự đột phá trong chất lượng dạy nghề sẽ được thực hiện như thế nào thưa ông?
PGS.TS. Dương Đức Lân: Chiến lược dạy nghề 2011-2020 đã xác định các mục tiêu đến năm 2020. Trong đó có mục tiêu xây dựng 40 trường nghề chất lượng cao, 49 nghề đạt trình độ khu vực ASEAN và 26 nghề đạt trình độ quốc tế, đó là sự đột phá trong chất lượng dạy nghề nhằm tạo ra đội ngũ lao động có tay nghề cao để phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Đó cũng là sự chuẩn bị sẵn sàng khi ASEAN trở thành cộng đồng vào năm 2015, khi đó các nước ASEAN là một thị trường lao động, việc di chuyển lao động tự do giữa các nước ASEAN đòi hỏi lao động nước ta phải có chất lượng cao và phải được các nước khác công nhận về kỹ năng nghề.
PV: Ở trên ông có nhắc đến Quyết định 630/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, xin ông cho biết có những giải pháp mang tính đột phá nào sẽ thúc đẩy việc nâng cao chất lượng đào tạo nghề tại Việt Nam trong thời gian tới?
PGS.TS. Dương Đức Lân: Có 9 giải pháp đồng bộ được nêu ra trong Quyết định này, trong đó giải pháp về Đổi mới quản lý nhà nước về dạy nghề và giải pháp Phát triển đội ngũ giảng viên, giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề là mang tính đột phá. Ngoài ra giải pháp Xây dựng khung trình độ nghề quốc gia được xem là giải pháp trọng tâm.
Việc đổi mới quản lý nhà nước về dạy nghề sẽ bao gồm: Hoàn thiện hệ thống pháp luật về dạy nghề. Sửa Luật dạy nghề và các quy định liên quan đến dạy nghề trong các Bộ luật, Luật; Hoàn thiện cơ chế, chính sách về dạy nghề, học nghề; Có chính sách đãi ngộ, thu hút giáo viên dạy nghề; Đổi mới chính sách tài chính về dạy nghề: Có chính sách thu học phí phân biệt theo nghề và trình độ đào tạo; thực hiện cơ chế đặt hàng đào tạo cho các cơ sở dạy nghề, không phân biệt hình thức sở hữu. Ngân sách nhà nước tập trung đầu tư cho những cơ sở dạy nghề trọng điểm, nghề trọng điểm…; Chính sách đối với người lao động qua đào tạo nghề; chính sách đào tạo liên thông, hỗ trợ người học nghề (ưu tiên đối tượng chính sách, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật và những người thuộc nhóm “yếu thế” khác); chính sách đối với một số nghề đặc thù, nghề xã hội có nhu cầu nhưng khó thu hút học sinh vào học nghề.
Đối với việc phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề, cần: Chuẩn hóa đội ngũ giáo viên dạy các nghề trọng điểm cấp độ quốc gia, cấp quốc tế về trình độ đào tạo, kỹ năng và sư phạm nghề, trình độ ngoại ngữ. 100% số giáo viên này phải đạt chuẩn vào năm 2014.
Còn với giải pháp trọng tâm là xây dựng khung trình độ nghề quốc gia sẽ tương thích với khung trình độ giáo dục quốc gia, hoàn thiện khung trình độ kỹ năng nghề quốc gia, ban hành các tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia cho các nghề phổ biến, xây dựng khung chương trình đào tạo,…
Theo OKS - One Key Services
0 nhận xét