18/02/2017
Tại Hội thảo về phát triển vi mạch bán dẫn tại TP.HCM do Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM phối hợp với Thương vụ Tổng Lãnh sự Hàn Quốc tại TP.HCM (KOTRA) tổ chức trong 2 ngày 9-10/10 đã tạo cầu nối chia sẻ thông tin, kinh nghiệm giữa các chuyên gia, DN hàng đầu tại Hàn Quốc và DN Việt Nam.
Các chuyên gia Hàn Quốc chia sẻ kinh nghiệm phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.
Theo ông Park Sang Hyup, Trưởng Thương vụ Tổng Lãnh sự Hàn Quốc tại TP.HCM, vi mạch bán dẫn là ngành có giá trị gia tăng rất cao, có tác dụng lan tỏa, hỗ trợ cho nhiều ngành công nghiệp khác và đóng vai trò then chốt trong hầu hết các sản phẩm công nghệ cao. Thực tế, sự phát triển của Hàn Quốc ngày nay có đóng góp rất lớn của ngành vi mạch bán dẫn là minh chứng rõ ràng. Hàn Quốc hiện là đất nước đứng thứ hai thế giới về công nghiệp vi mạch bán dẫn.
Trong những năm qua TP.HCM đã thể hiện là địa phương đi đầu trong việc nghiên cứu và sản xuất các sản phẩm vi mạch. Ông Lê Mạnh Hà- Phó Chủ tịch UBND TP.HCM- cho biết: TP.HCM đã phê duyệt “Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch TP.HCM giai đoạn 2013- 2020” vào tháng 12/2012 với các mục tiêu chung, nhiệm vụ gắn với 7 chương trình, đề án cụ thể như: dự án có liên quan như Đề án đào tạo lĩnh vực thiết kế vi mạch; Ươm tạo DN công nghệ vi mạch và hệ thống nhúng; Phát triển thị trường vi mạch; Chương trình nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm vi mạch; Dự án xây dựng nhà thiết kế (Design House)… Sau gần 2 năm triển khai thực hiện, mới đây UBND TP.HCM đã chấp thuận bổ sung thêm 3 chương trình, đề án bao gồm: Phát triển sản phẩm đầu cuối sử dụng vi mạch điện tử; phòng thí nghiệm và sản xuất thử nghiệp vi mạch (Lab- toFab) và phát triển sản phẩm vi cơ điện tử (MEMS). Những chương trình, đề án càng khẳng định quyết tâm của TP.HCM trong phát triển lĩnh vực công nghiệp bán dẫn vi mạch.
Đến nay, TP. HCM đã có một số sản phẩm như chip vi xử lý 8 bit VN801, chip vi xử lý 32 bit VN1632, chip Analog LDO TH7105 hay chip SG8V1… Trong đó có không ít dòng chip đã và đang trong quá trình thương mại hóa sản phẩm như thiết bị định vị - hộp đen xe gắn máy, ô tô; khóa container điện tử và sắp đến là điện kế điện tử. Ngoài ra, TP.HCM cũng đang xúc tiến nhanh việc xây dựng các nhà máy sản xuất vi mạch với công suất khoảng 1,8 tỷ con chip/năm và doanh thu ước tính 90 triệu USD/năm.
Ông Hà cũng cho biết thêm, sự kiện tập đoàn Samsung quyết định đầu tư vào khu công nghệ cao TP.HCM sẽ tạo điều kiện cho việc liên kết hợp tác phát triển hơn nữa trong thời gian tới. Ông cũng nhấn mạnh, đây là lĩnh vực rất mới, rủi ro cao nên rất cần sự hỗ trợ từ các chuyên gia hàng đầu từ các nước phát triển như Hàn Quốc đặc biệt là trong lĩnh vực nhân lực cho ngành.
Nhằm đánh dấu sự hợp tác quốc tế về phát triển công nghiệp vi mạch giữa Việt Nam và Hàn Quốc, Trung tâm Nghiên cứu vi mạch bán dẫn (Đại học Quốc gia Seoul) và Khoa Điện- Điện tử thuộc Trường Đại học Bách khoa- Đại học Quốc gia TP.HCM) mới đây cũng đã ký kết Bản ghi nhớ hợp tác về đào tạo nhân lực, nghiên cứu trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn.
Giáo sư Hwang Cheol Seong- Giám đốc Trung tâm nghiên cứu vi mạch bán dẫn thuộc trường Đại học quốc gia Seoul (ISRC) - cho biết: Với 30 năm trong lĩnh vực này, Hàn Quốc được biết là nơi có ngành công nghiệp bán dẫn phát triển vượt bậc nhất trên thế giới. Dự án 1,4 tỷ USD của Samsung vào Việt Nam cũng thể hiện rõ những giá trị quan trọng mà ngành công nghiệp này tạo ra.
Sau TP.HCM không ít địa phương muốn phát triển công nghiệp vi mạch như Đà Nẵng đã xây dựng và đưa vào hoạt động trung tâm thiết kế vi mạch Đà Nẵng và Phú Yên, Lâm Đồng cũng đang chuẩn bị cho ngành công nghiệp này.
Theo Ngọc Thảo - Báo Công thương
0 nhận xét