18/02/2017
Công nghiệp hỗ trợ ngành điện tử của Việt Nam đang đứng trước những cơ hội vô cùng lớn. Tuy nhiên, để thu hút vốn đầu tư vào lĩnh vực này, cần có những chính sách ưu đãi hợp lý đối với doanh nghiệp.
Việt Nam đang có nhiều cơ hội hút vốn vào CNHT ngành điện tử
Tiềm năng lớn
Thời gian qua, rất nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới đã đặt chân đến Việt Nam, điển hình như Intel, Nokia, LG, Samsung, Canon… Với sự xuất hiện của những thương hiệu lớn, công nghiệp hỗ trợ (CNHT) ngành điện tử tại Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội.
Đơn cử như Tập đoàn Samsung đầu tư gần 7 tỷ USD vào lĩnh vực điện tử tại Việt Nam nhưng hiện chỉ có 93 doanh nghiệp (DN) CNHT phục vụ cho Samsung, trong đó 86 DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và 7 DN Việt Nam.
Năm 2013, Samsung Việt Nam xuất khẩu 23 tỷ USD điện thoại di động các loại, nhưng nhập khẩu khoảng 15 tỷ USD linh kiện, máy móc. Năm 2014, dự kiến Samsung Việt Nam sẽ xuất khẩu khoảng 32 tỷ USD, nếu giữ nguyên tỷ lệ nhập khẩu như năm trước thì năm 2014, dự kiến Samsung Việt Nam sẽ nhập khẩu khoảng 20 tỷ USD. Điều đó có nghĩa, để đáp ứng được nhu cầu CNHT, Tập đoàn Samsung tại Việt Nam phải cần đến hàng ngàn DN hoạt động trong lĩnh vực CNHT.
Ông Ngô Sỹ Bích- Trưởng Ban Quản lý KCN tỉnh Bắc Ninh cho biết: Tập đoàn Nokia Việt Nam (đầu tư tại Bắc Ninh) hiện nay cũng có khoảng hơn 20 DN hỗ trợ đang hoạt động tại tỉnh Bắc Ninh, ngoài ra còn nhiều các DN đang hoạt động tại những địa phương khác. Số DN này cũng chỉ đáp ứng được một phần nhỏ cho hoạt động động của Nokia. Vì vậy, chắc chắn Nokia Việt Nam sẽ cần thêm rất nhiều DN hoạt động trong lĩnh vực CNHT.
Trong khi đó, ngoài Samsung, Nokia, các tập đoàn điện tử lớn trên thế giới đang đầu tư tại Việt Nam như: LG, Canon cũng đang có nhu cầu tăng tỷ lệ nội địa hóa. Đây chính là cơ hội để Việt Nam hút vốn đầu tư vào CNHT ngành điện tử.
Cần chính sách hợp lý
Tiềm năng lớn nhưng để hút được vốn vào CNHT là không hề đơn giản vì CNHT là lĩnh vực đòi hỏi kỹ thuật cao và chuyên môn hóa sâu, trong khi đó năng lực của DN Việt Nam lại có hạn.
Ông Nguyễn Văn Thụ- Chủ tịch Hiệp hội Cơ khí Việt Nam cho rằng, muốn phát triển CNHT cho ngành điện tử, thì bản thân các DN FDI lớn như Samsung, Nokia, LG… phải có những chính sách phát triển CNHT.
Cụ thể, các DN này phải đưa ra những tiêu chí về sản phẩm của mình, đặt hàng và đảm bảo đầu ra đối với các DN sản xuất CNHT cho họ, có như vậy các doanh nghiệp CNHT mới yên tâm đầu tư, còn nếu cứ kêu gọi ưu đãi chung chung nhưng không có kế hoạch phát triển cụ thể, và không có chính sách gì đảm bảo sẽ tiêu thụ sản phẩm cho DN thì không một DN nào dám mạo hiểm vay tiền ngân hàng để đầu tư máy móc phát triển CNHT.
GS, TS Nguyễn Mại- Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài cho rằng, để thu hút các DN đầu tư vào lĩnh vực CNHT ngành điện tử, Chính phủ cần đưa ra những chính sách ưu đãi về thuế, đất đai, về lãi suất ngân hàng, có như vậy mới khuyến khích được các DN tham gia đầu tư.
Bộ Công Thương vừa trình Chính phủ dự thảo Quỹ đầu tư cho công nghiệp hỗ trợ với số tiền lên tới 2.000 tỷ đồng. Theo đó, DN đầu tư vào lĩnh vực CNHT sẽ được miễn thuế thu nhập DN với mức áp dụng thuế suất 10% trong thời gian 15 năm, miễn thuế tối đa 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp tối đa trong 9 năm tiếp theo.
Theo Báo Công thương
0 nhận xét