18/02/2017
Công nghiệp hỗ trợ quyết định FDI
Ngành công nghiệp hỗ trợ (Supporting Industry-SI) là ngành nền tảng của ngành công nghiệp chính yếu. Nó cung cấp linh kiện, phụ tùng, nguyên phụ liệu...cho ngành công nghiệp sản xuất và tiêu dùng.
Ví dụ để tạo ra một chiếc ôtô nhà sản xuất cần rất nhiều linh kiện như động cơ, hệ thống đèn, điện, ghế, kính, bánh và ruột xe, chi tiết nhựa nội và ngoại thất,... Có cả ngàn linh kiện và phụ tùng cần thiết để láp rắp thành một chiếc ôtô. Thông thường các nhà sản xuất ôtô không tự mình cung ứng tất cả cả ngàn chi tiết đó, thay vào đó họ phải gia công ở bên ngoài từ các nhà cung cấp địa phương những phần hay công đoạn không cần thiết. Ngành dệt may và giày da cũng vậy. Để sản xuất một chiếc áo sơ mi hay một đôi giày, nhà sản xuất cũng cần rất nhiều nguyên phụ liệu như chỉ, cúc, vải, da, đế, keo dán... mà những thứ này họ cũng không thể tự sản xuất.
Nói tóm lại, ngành công nghiệp hỗ trợ được ví như chân núi, tạo phần cứng để hình thành nên thân núi và đỉnh núi chính là ngành công nghiệp sản xuầt và lắp ráp sản phẩm công nghiệp hoặc tiêu dùng. Thông thường ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển trước, làm cơ sở để ngành công nghiệp chính yếu như ôtô, xe máy, điện tử, dệt may, giày da, viễn thông,... phát triển.
Tuy nhiên cũng có quốc gia hai ngành công nghiệp hỗ trợ và chính yếu phát triển song song. Ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển, sẽ tạo điều kiện cho ngành công nghiệp chính yếu phát triển và ngược lại ngành công nghiệp chính yếu phát triển, sẽ khích thích ngành công nghiệp hỗ trợ tăng tốc theo. Các chuyên gia kinh tế nói rằng, ngành công nghiệp hỗ trợ đóng vài trò quan trọng đối với nền kinh tế quốc gia vì ngoài yếu tố thị trường, ngành công nghiệp hỗ trợ cũng quyết định việc thu hút đầu tư trong và ngoài nước.
Kém hơn 20 năm vì công nghiệp hỗ trợ èo uột
Các DN Nhật Bản "đặt hàng" nhà cung cấp trong nước. Ảnh: M.Q |
Các chuyên gia cho rằng, nếu như so sánh trình độ công nghiệp của Việt Nam hiện nay với các quốc gia châu Á thì trình độ đó tương đương với Trung Quốc hồi những năm 80 của thế kế kỷ trước hoặc Malaysia hồi những năm 70. Còn nếu so sánh với Hàn Quốc thì trình độ công nghiệp Việt Nam phải lùi lại thêm 10 năm, tức tương đương với trình độ phát triển công nghiệp của Hàn Quốc của những năm 60. Còn so sánh với Nhật Bản càng kém xa, chỉ tương đương những năm 20. Công nghiệp Việt Nam chưa phát triển cũng do bởi ngành công nghiệp hỗ trợ quá èo uột.
Ông Lương Văn Lý, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư TP.HCM cho biết, ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam hầu như chưa có gì đáng nói. Ngành sản xuất ôtô do các công ty liên doanh nắm giữ nhưng chỉ ở dạng lắp ráp CKD, và nhập hầu hết linh kiện ở nước ngoài. Ngành xe máy cũng tương tự. Các công ty trong nước có thể cung cấp cho hai ngành này những sản phẩm như ghế ngồi, ống dầu, hệ thống điều hòa không khí, bộ lọc dầu, hệ thống phanh, giảm sốc, kính, đèn... Tuy nhiên chủng loại cung cấp trong nước chưa phong phú và chất lượng không cao khi so sánh với các nước trong khu vực.
Các linh kiện điện tử các DN trong nước chưa cung cấp được cho ngành ôtô. Sản phẩm từ công nghiệp hóa chất, chỉ có vỏ hoặc ruột bánh xe từ công ty Cao su Miền Nam (Casumina) và nhớt từ BP hoặc Castrol và Công ty Cát Lái. Không có công ty trong nước nào có thể cung cấp phụ tùng nhựa cho ôtô.
Bên cạnh đó, các công đoạn của ngành sản xuất ôtô chỉ dừng lại ở trình độ thủ công, hệ thống lắp ráp tự động rất hiếm hoi ở các nhà máy sản xuất ôtô của các liên doanh. Ngoài việc lắp ráp, các nhà máy này cũng thực hiện phần việc hàn, được xem là những công đoạn chính của qui trình sản xuất ôtô, nhưng cũng chỉ hàn ở giai đoạn cuối với 6 công đoạn.
Ông Osamu Shiozaki, Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại TP.HCM cho biết, các DN Nhật làm ăn tại Việt Nam luôn than phiền với ông về chuyện Việt Nam thiếu các nhà cung cấp phụ tùng và linh kiện. "Họ phải nhập khẩu từ nước ngoài khiến cho giá thành sản phẩm của các DN Nhật cao hơn từ 20-70% so với sản phẩm sản xuất ở Trung Quốc", ông Tổng Lãnh sự phát biểu.
Ngành da giày cũng chẳng hơn gì khi hầu hết nguyên phụ liệu đều phải nhập từ nước ngoài.
Mô hình nào cho ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam?
Ông Kohata Kenichi, chuyên gia của JICA nói rằng, công nghiệp hỗ trợ là mảnh đất của các DN vừa và nhỏ (DNVVN); và để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam phải tạo điều kiện cho DNVVN phát triển.
Các quan chức Việt Nam và Nhật cắt băng khai mạc hội chợ "ngược". Ảnh: M.Q |
Tuy nhiên trước tiên cần xác định mô hình của ngành công nghiệp hỗ trợ. Ông Kohata đưa ra 4 mô hình điển hình mà theo đó công nghiệp hỗ trợ được xúc tiến phát triển theo hệ thống mạng lưới toàn cầu đối với một số loại linh kiện và phụ tùng.
Mô hình thứ nhất, được một công ty Nhật Bản thực hiện đối với những linh kiện và phụ tùng thuộc công nghiệp đúc với Trung Quốc, việc thiết kế được thực hiện ở Nhật Bản. Sau đó được chế tác tại Trung Quốc và đưa về Nhật. Sản phẩm làm ra cung cấp cho thị trường xuất khẩu. Mô hình này thực hiện khá tốt ở Đại Liên, Quảng Đông, Thẩm Quyến và Thượng Hải và tại đây đã hình thành cụm công nghiệp hỗ trợ dưới sự hỗ trợ của DN Nhật Bản.
Mô hình thứ hai được thực hiện đối với việc chế tạo máy móc. Việc nghiên cứu và thiết kế được thực hiện tại Nhật, kế tiếp thực hiện sản phẩm thô ở Malaysia và công đoạn cuối cùng ở nước khác như Philippine hay Việt Nam. Sau đó sản phẩm hoàn tất sẽ được xuất khẩu hoặc cung cấp cho thị trường nội địa.
Mô hình thứ ba cho lĩnh vực ép. Tại Nhật, thiết kế vẫn được thực hiện cùng với sản xuất thử sau đó việc sản xuất phụ kiện sẽ tiến hành tại Việt Nam trước khi xuất khẩu hoặc cung cấp cho thị trường nội địa. Mô hình thứ tư cho lĩnh vực tạo khung kim loại. Việc thiết kế cũng vẫn ở Nhật, nhưng công đoạn sản xuất thử ở Đài Loan và lắp ráp cuối cùng là ở Việt Nam.
2010 ngành công nghiệp hỗ trợ sẽ phát triển?
TP.HCM được xác định là khu vực thực hiện chương trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa trước các khu vực khác và là đầu tàu công nghiệp của khu vực phía Nam. Năm 2010 là mốc thời điểm mà TP.HCM phải thực hiện vai trò đầu tàu của mình. Ông Lương Văn Lý, Sở Kế hoạch Đầu tư TP.HCM nói rằng, đây là thách thức đối với thành phố và để thực hiện được nhiệm vụ này không có con đường nào tốt hơn là bắt đầu từ ngành công nghiệp hỗ trợ.
Theo ông Lý, thành phố đặt ra nhiều mục tiêu phát triển trong đó có mục tiêu chuyển dịch sản xuất từ hợp đồng phụ sang nhập khẩu để sản xuất bán thành phẩm. Trọng tâm của mục tiêu này là nhắm vào sản phẩm có giá trị cao. Cải thiện năng lực sản xuất linh kiện và phụ tùng, đồng thời khuyến khích đầu tư trong và ngoài nước vào ngành công nghiệp hỗ trợ.
Ông Kohata nói rằng, để thực hiện các mô hình cần phải hình thành các cụm khu công nghiệp hỗ trợ và nhất là có chính sách khuyến khích. Các chính sách mà ông Kohata cho rằng, cần thiết cho ngành công nghiệp hỗ trợ hay nói cách khác cho DNVVN bao gồm tài chính, thuế, hỗ trợ kỹ thuật và quản lý. Đây cũng là chính sách mà Nhật đã áp dụng đối với DNVVN từ 1945-1999.
Theo đó cần thiết lập định chế tài chính và hệ thống hỗ trợ tín dụng để cung cấp tín dụng hoặc bảo lãnh tín dụng cho DNVVN, đối tượng thường hay bị ngân hàng từ chối cho vay vì không có tài sản thế chấp. Thuế cũng cần được hoạch định sao cho công nghiệp hỗ trợ thu hút được nhiều DN tham gia. Ưu đãi thuế thu nhập cá nhân, thu nhập DN, hoặc nhập khẩu cũng là điều kiện tốt cho công nghiệp hỗ trợ. Ngoài công cụ tài chính, chuyên gia JICA còn cho rằng, các hỗ trợ kỹ thuật như cung cấp thông tin, chuyên môn...và quản lý rất cần thiết cho DNVVN khi tham gia vào ngành công nghiệp hỗ trợ.
Ông Masahiro Hamano, đại diện của công ty tư vấn Hamano cho biết, khả năng thực hiện các yêu cầu của DNVVN Việt Nam còn rất kém. Ông khảo sát 3 DN Việt Nam và nhận thấy rằng, các DN này chưa thực hiện theo một qui trình hay qui cách nào để đảm bảo chất lượng của sản phẩm làm ra đồng đều và đúng với yêu cầu của khách hàng. Từ đó ông cho rằng, DNVVN Việt Nam cần phải chú ý đến việc quản lý chất lượng.
OKS - One Key Services
Theo Vietnamnet
0 nhận xét