18/02/2017
Dù nhận được nhiều chính sách hỗ trợ mang tính trọng điểm của nhà nước nhưng ngành cơ khí Việt Nam vẫn phát triển èo uột khiến cho doanh nghiệp chủ yếu vẫn phải nhập khẩu các sản phẩm cơ khí với mức nhập siêu hơn 10 tỉ đô la Mỹ mỗi năm.
Hiệp hội Cơ khí Việt Nam cho biết, khả năng đáp ứng nhu cầu trong nước của ngành, tính đến năm 2012 mới đạt 32,58% (thấp hơn mục tiêu đề ra trong chiến lược phát triển ngành này là đáp ứng 40% đến 50% nhu cầu vào năm 2010).
Ngành cơ khí cũng tham gia xuất khẩu các sản phẩm và theo thống kê thì tỉ lệ xuất khẩu lại vượt chỉ tiêu đề ra. Năm 2012 tỉ lệ xuất khẩu đạt 34,7% sản lượng, trong khi yêu cầu chỉ cần 30% vào cùng thời gian này. Xuất khẩu tính trên tỉ lệ hàng hóa sản xuất được thì có vẻ lớn nhưng giá trị xuất khẩu không cao.
Hơn nữa, xuất khẩu các sản phẩm cơ khí và sự phát triển của ngành này chủ yếu dựa vào các doanh nghiệp FDI, đặc biệt là ngành xe máy và các ngành công nghiệp hỗ trợ cơ khí, do các doanh nghiệp trong nước chưa đáp ứng yêu cầu về chất lượng và sự ổn định, giá cả, mẫu mã theo các đơn đặt hàng, không theo được chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI.
Trong khi đó, giá trị nhập khẩu của ngành này năm 2103 lên đến 24,8 tỉ đô la, cao gấp 3 lần so với mức nhập khẩu năm 2006 mới là 8,7 tỉ đô la. Giá trị nhập khẩu máy móc, thiết bị để phục vụ sản xuất (thuộc nhóm cần thiết nhập khẩu chiếm tỉ lệ cao nhất, năm 2012 là 16,04 tỉ đô la Mỹ).
Hiệp hội đánh giá mức nhập siêu của ngành cơ khí những năm gần đây vào khoảng hơn 10 tỉ đô la/năm.
Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ ngành cơ khí phát triển, như yêu cầu ưu tiên các nhà thầu cơ khí trong nước ở các dự án không bắt buộc phải sử dụng thiết bị, máy móc nhập khẩu; cơ chế vay vốn lãi suất thấp, các chương trình vay vốn theo dự án trọng điểm từ nguồn vốn của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB)… Tuy nhiên, do chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh chưa đáp ứng yêu cầu nên tỉ lệ nội địa hóa của ngành cơ khí tại các dự án lớn hầu như không đáng kể.
Các chính sách hỗ trợ Chương trình cơ khí trọng điểm gặp nhiều khó khăn về tài chính do VDB cũng khó khăn về nguồn vốn. Đến nay mới chỉ có 2/11 dự án sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm được giải ngân với giá trị giải ngân hơn 60 tỉ đồng so với tổng mức đầu tư của 11 dự án là xấp xỉ 10.000 tỉ đồng, chiếm khoảng 16% so với tổng hợp đồng tín dụng đã ký.
Lãi suất tín dụng cho các chương trình hỗ trợ cũng là 10,8% là không hấp dẫn người vay. Hơn nữa, danh mục các sản phẩm công nghiệp ưu tiên phát triển chỉ xem xét, áp dụng cơ chế ưu đãi cho các dự án lớn, quan trọng nên các dự án quy mô nhỏ và vừa khó tiếp cận được các cơ chế ưu đãi.
Theo OKS - One Key Services
0 nhận xét