18/02/2017
Mặc dù vẫn có mức tiêu thụ khá ảm đạm trong đầu năm và liên tiếp nhận được "tin xấu" từ các vụ kiện phòng vệ thương mại, song ngành thép vẫn đặt nhiều kỳ vọng tình hình sẽ khởi sắc vào quý II, khi các dự án xây dựng đang tái khởi động trở lại.
Trái với những dự đoán khả quan về nền kinh tế vĩ mô sang năm 2014, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ngành thép trong 2 tháng đầu năm không mấy lạc quan. Bởi theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), từ gần nửa cuối tháng 1/2014, các công trình tạm dừng thi công, dự án dừng tiến độ, nên sản lượng bán hàng thép giảm mạnh.
Tiêu thụ kém, cửa xuất hẹp
Theo đó, sản xuất thép xây dựng tháng 1/2014 đạt 319.975 tấn, so với tháng trước giảm 29,14% và so với cùng kỳ giảm 5,26%. Đáng chú ý, lượng thép xây dựng bán ra của các doanh nghiệp cũng chỉ đạt 235.119 tấn, giảm 36,49% so với tháng trước và giảm 41,78% so với cùng kỳ. Với lượng thép xây dựng tồn ở các công ty tính tới cuối tháng 1/2014 là 436.748 tấn, VSA cho rằng đây là mức tồn khá cao so với mức trung bình của các tháng, do đây là tháng Tết Nguyên đán, thời gian nghỉ Tết kéo dài nên lượng tiêu thụ thép giảm. Còn theo Bộ Công Thương, tính chung 2 tháng đầu năm, sản lượng sắt, thép thô ước đạt 283.100 tấn, giảm 26,5% so với cùng kỳ; thép cán ước đạt 482.700 tấn, tăng 22,0% so với cùng kỳ; thép thanh, thép góc ước đạt 430.700 tấn, giảm 4,7% so với cùng kỳ.
Giá bán thép trong 2 tháng đầu năm được đánh giá là không có nhiều biến động, tuy nhiên sang đầu tháng 3, giá bán thép của miền Bắc và miền Nam đã có chênh lệch khá lớn. Hiện giá bán thép giao tại nhà máy (chưa có VAT, trừ triết khấu) của khu vực phía Bắc từ 12,65 – 12,9 triệu đồng/tấn với thép cây; 12,55 – 12,8 triệu đồng/tấn với thép cuộn (tháng 1 và tháng 2 dao động từ 12,9 – 13,1 triệu đồng/tấn).
Trong khi tại miền Nam, thép cây và thép cuộn vẫn giữ mức giá ổn định, từ 16 – 16,2 triệu đồng/tấn. Theo VSA, việc giá bán thép tại miền Bắc thấp hơn là do lượng hàng tồn còn khá nhiều, đã tạo áp lực khiến các doanh nghiệp phải đẩy mạnh tiêu thụ nên đã giảm giá trực tiếp.
Nếu như tình hình tiêu thụ trong nước vẫn chưa mấy khả quan khiến các doanh nghiệp phải giảm mạnh giá bán để kích cầu tiêu dùng, thì hoạt động xuất khẩu cũng gặp không ít khó khăn. Ngay từ đầu năm, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã đưa ra kết luận sơ bộ về việc điều tra chống bán phá giá mặt hàng ống thép dẫn dầu.
Được biết, mặc dù vụ việc này chỉ có Công ty Thép SeAH là bị đơn, song với mức thuế cho bị đơn bắt buộc là 9,57% và các nhà sản xuất, xuất khẩu khác nhận mức thuế là 111,47%, thì mọi cơ hội xuất khẩu vào thị trường này hoàn toàn bị "đóng" lại. Trước đó, Indonesia và Thái Lan cũng áp dụng biện pháp tự vệ đối với một số sản phẩm sắt, thép cuộn cán nóng nhập khẩu, càng khiến cho "cửa" xuất của các doanh nghiệp càng hẹp dần.
Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, ông Hồ Nghĩa Dũng, Chủ tịch VSA cho rằng trong bối cảnh tiêu thụ trong nước vẫn khó khăn, việc đẩy mạnh xuất khẩu là biện pháp tối ưu, song doanh nghiệp lại gặp không ít các rào cản. Nguyên nhân chính là hiện thị trường thép thế giới đã mất cân đối lớn, cung vượt cầu trong khi tiêu thụ thép giảm sút nên hầu hết các nước đều tìm cách đẩy mạnh xuất khẩu. Do đó, việc các nước đưa ra những hàng rào kỹ thuật để bảo vệ sản phẩm trong nước thông qua biện pháp tự vệ hay áp thuế chống bán phá giá ngày càng phổ biến hơn.
Lạc quan trong thận trọng
Tuy nhiên, khi nhận định về tình hình thị trường trong thời gian tới, ông Dũng cho rằng sẽ có nhiều tín hiệu khả quan hơn khi thị trường bất động sản có dấu hiệu tăng trưởng, các công trình xây dựng đi vào hoạt động. Thông tin về VSA, nhiều doanh nghiệp cho biết hoạt động tiêu thụ đã bắt đầu khởi sắc hơn khi lượng tiêu thụ có nhích nhẹ so với tháng trước và so với cùng kỳ. Theo đó, lượng thép xây dựng tiêu thụ trong tháng 2 đạt khoảng 320.000 tấn, tăng khoảng 90.000 tấn so với tháng 1.
Tuy nhiên, đại diện của VSA cũng khá thận trọng khi đánh giá về triển vọng tích cực hơn cho ngành thép khi cho rằng dù tình hình kinh tế có khởi sắc hơn song những khó khăn nội tại của doanh nghiệp vẫn chưa được tháo gỡ. Đặc biệt, tăng trưởng GDP được dự báo ở mức 5,8 - 6%, nên việc mở rộng đầu tư cũng sẽ hạn chế, trong khi thị trường bất động sản vẫn chưa thực sự sôi động trở lại. Do đó, một số doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động yếu kém cũng sẽ không tránh khỏi nguy cơ phải cắt giảm sản xuất, thậm chí là đóng cửa, dừng hoạt động, và những cơ hội thị trường vẫn chỉ tập trung cho các doanh nghiệp lớn, có sản phẩm cạnh tranh.
Theo khuyến cáo của Bộ Công Thương, các doanh nghiệp thép cần tận dụng những ưu thế về sản xuất, kiểm soát chất lượng sản phẩm, tối thiểu hóa chi phí để có giá cạnh tranh. Đồng thời xây dựng hệ thống chi nhánh phân phối bán lẻ đến tận tay người tiêu dùng, đa dạng hóa thị trường tiêu thụ để mở rộng thêm đầu ra cho sản phẩm.
Theo OKS - One Key Services
0 nhận xét