18/02/2017
(TBKTSG Online) - Trong thời gian tới đây Tập đoàn điện tử Samsung sẽ cùng hợp tác với các bộ ngành để hỗ trợ doanh nghiệp cơ khí, điện tử trong nước phát triển công nghiệp hỗ trợ nhằm phục vụ dự án đầu tư của Samsung ở Việt Nam.
Chủ tịch Hiệp hội các Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (Vafie), Giáo sư Nguyễn Mại cho biết một cuộc họp giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ, Hiệp hội Cơ khí và Vafie bàn về việc phát triển công nghiệp phụ trợ cho Samsung đã được đưa ra và phía Samsung cơ bản đồng ý cùng hợp tác xúc tiến.
Theo Giáo sư Nguyễn Mại, đây là ý tưởng mới nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp phụ trợ trong nước, khác hoàn toàn với cách làm lâu nay của các doanh nghiệp nên chưa hiệu quả. Với sự tham gia của Samsung, doanh nghiệp nội địa sẽ biết được nhu cầu cụ thể và khả năng cung cấp sản phẩm của mình để triển khai theo hướng đôi bên cùng có lợi.
Theo đó, trước mắt Vafie sẽ tìm kiếm, mời các doanh nghiệp cơ khí, điện tử trong nước tham gia vào chương trình để Samsung và doanh nghiệp Việt Nam tìm hiểu lẫn nhau về nhu cầu và khả năng cung ứng của doanh nghiệp trong nước. Theo kế hoạch, hai bên sẽ tổ chức các hội thảo, trong đó phía Samsung sẽ cử chuyên gia của tập đoàn đến tham gia, nói rõ nhu cầu của mình, tiêu chí cụ thể và cách thức để doanh nghiệp trong nước trở thành nhà cung ứng cho họ.
Với việc đầu tư các nhà máy sản xuất các sản phẩm điện thoại di động và thiết bị điện tử lớn trên thế giới Samsung rất cần nhiều nhà cung cấp linh phụ kiện để sản xuất ra những sản phẩm hoàn chỉnh xuất khẩu đi toàn cầu.
Cũng giống như nhiều tập đoàn công nghệ khác khi đến Việt Nam đầu tư, Samsung mong muốn tìm kiếm được những nhà cung cấp trong nước để giảm chi phí cũng như đáp ứng kịp thời cho việc sản xuất. Tuy nhiên sau nhiều năm hoạt động ở Việt Nam việc tìm kiếm các nhà cung cấp trong nước của Samsung và nhiều tập đoàn công nghệ khác rất khó khăn. Phần lớn doanh nghiệp trong nước vẫn chưa đáp ứng các tiêu chí của Samsung về kỹ thuật mà chỉ cung cấp được những sản phẩm giản đơn như bao bì, thùng carton... không mang lại giá trị cao trong sản phẩm.
Theo giới phân tích, nếu mô hình hợp tác kết nối giữa Samsung và doanh nghiệp Việt Nam thành công sẽ mở hướng ra cho việc phát triển ngành công nghiệp phụ trợ trong nước, nhất là Samsung cùng nhiều tập đoàn công nghệ quốc tế khác liên tục rót thêm vốn đầu tư, chọn Việt Nam là nơi sản xuất quan trọng để xuất khẩu đi toàn cầu. Trở thành nhà cung cấp cho các nhà máy của Samsung ở Việt Nam, các nhà cung cấp trong nước còn có cơ hội mở rộng hệ thống cung cấp cho nhà máy Samsung toàn cầu nếu giá cả cạnh tranh hơn.
Trước đó, trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, ông Nguyễn Văn Đạo, Phó Tổng giám đốc Samsung Vina, cho rằng trước khi Samsung lập nhà máy thì Việt Nam cũng đâu có ngành sản xuất điện thoại di động, máy tính…thì làm sao có nhà cung cấp cho các lĩnh vực này.
Mặc dù vậy theo ông Đạo, Việt Nam cũng có khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng của Samsung theo hướng khác. Cụ thể với quy mô sản xuất lớn lên đến cả trăm triệu sản phẩm/năm (chủ yếu để xuất khẩu), khu tổ hợp sản xuất của Samsung ở Bắc Ninh và Thái Nguyên đang dần thu hút các nhà sản xuất vệ tinh của Samsung cũng như các nhà cung cấp khác ở các nước vào xây nhà máy để cung ứng cho nhà máy Samsung Bắc Ninh. “Với chiều hướng này về lâu dài Việt Nam sẽ hình thành ngành công nghiệp phụ trợ cho ngành sản xuất điện thoại di động và điện tử khác”, ông Đạo nói. Đồng thời sự phát triển ngành công nghiệp phụ trợ sẽ thúc đẩy cho các doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng của Samsung và các tập đoàn lớn khác bằng cách tham gia làm việc ở các công ty vệ tinh của các tập đoàn này, rồi từ đó làm quen, học hỏi kinh nghiệm, công nghệ, kỹ thuật để mở ra làm kinh doanh riêng sau này.
Đây là những gì đã diễn ra với ngành công nghiệp xe gắn máy. Từ nhu cầu lớn của thị trường trong nước, các nhà sản xuất đã xe máy trên thế giới đã chọn Việt Nam trở thành điểm sản xuất chính lớn. Từ chỗ phải nhập khẩu 100% linh kiện từ nước ngoài, ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam đã có thể tự sản xuất được trên 90% các loại linh kiện, phụ tùng, góp phần nâng cao tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm xe máy sản xuất tại Việt Nam.
Năm 2013, kim ngạch xuất khẩu của Tập đoàn Samsung đạt hơn 23 tỉ đô la Mỹ, nhưng phải nhập khẩu nguyên phụ liệu trên 15 tỉ đô la Mỹ nên giá trị gia tăng đạt được chỉ khoảng hơn 7 tỉ đô la Mỹ mà phần lớn là các nhà cung ứng của Hàn Quốc và các nước khác có mặt ở Việt Nam cung ứng cho Samsung. Doanh nghiệp 100% vốn trong nước ít tham gia vào chuỗi cung ứng này. |
0 nhận xét