18/02/2017
Từ trong nhà ta đã thấy những thiết bị điều khiển được lập trình có mặt từ bếp ra tới cổng như lò vi sóng, bếp từ, bình đun nước, tủ lạnh, điều hoà, Tivi, các hệ thống thiết bị âm thanh, một số gia đình còn có cả bồn cầu tự động, thiết bị bảo vệ an ninh... Ta sẽ thấy khó chịu khi cái bộ điều khiển từ xa của TV không hoạt động, phải đi tới TV trực tiếp bật từng nút bấm chọn kênh.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 10 năm Bộ môn TĐH Xí nghiệp Mỏ và Dầu khí - ĐH Mỏ Địa chất, ông Trịnh Đình Đề cho rằng ngành TĐH Việt Nam cần phát huy hơn nữa để chứng minh vai trò đóng góp vào GDP Quốc gia |
Yêu cầu của con người ngày càng cao và công nghệ cao trong đó không thể thiếu Tự động hoá đang góp phần quan trọng thoả mãn nhu cầu đó.
Đi xa hơn, ra phố rồi đến những nhà máy, xí nghiệp- Một nơi quan trọng sản xuất, làm ra sản phẩm nuôi sống ta và xuất khẩu. Sản phẩm của những dây chuyền sản xuất này làm nền tảng để cấu thành sản phẩm quốc nội mà ta gọi là GDP để làm thước đo đánh giá sự giầu có của quốc gia. Xem TĐH đóng góp được những gì?
Có thể nói ở nước ta hiện nay hầu như tất cả dây chuyền sản xuất của các ngành các ngành sản xuất chủ chốt như Năng lượng, Dầu khí, Điện, Than, đến sản xuất Sắt thép, Xi măng, Cơ khí, Điện tử, các dây chuyền chế biến, dệt may… đều được trang bị các thiết bị hiện đại có độ thông minh, ghép nối thành hệ thống. Những dây chuyền sản xuất như thế có năng suất cao, chất lượng tốt. Hiệu suất của các dây chuyền hiện đại cao nên ít phế phẩm, đó mới là điều cốt lõi để tăng của cải mà môi trường thân thiện.
Những bộ óc của thiết bị đã làm cho nó thông minh và hợp tác với nhau được nhịp nhàng như cơ thể của một con người khỏe mạnh. Một xã hội máy móc phát triển ra đời. Tự động hoá đã biến cả dây chuyền sản xuất thành một Robot khổng lồ.
Vì vậy dễ hiểu khi con Robot này bị đau ốm là sản xuất trục trặc và thông thường là ngừng hoạt động. Khôi phục sản xuất là khôi phục các cơ bắp của nó chỉ mới một phần, việc chăm lo đến bộ não của nó mới là phần quan trọng.
Một điều nữa mà ít ai quan tâm đến chính bộ não của thiết bị dây chuyền công nghệ chứa bí quyết tạo ra sản phẩm. Điều đó lý giải vì sao cùng loại thiết bị công nghệ mà mỗi hãng cho ra những sản phẩm riêng của mình. Cũng có khi nơi này làm ra được sản phẩmchất lượng tốt, nơi khác thậm chí chỉ ra toàn phế phẩm? Đó chính là Know-How mà nếu quan tâm giải mã thì phải đi từ đây, từ bộ não điều khiển công nghệ.
Xã hội còn tiến xa hơn, độ thông minh của máy móc ngày càng cao thì sự lệ thuộc của sự phát triển GDP của đất nước ngày càng sâu vào Công nghệ cao mà trong đó TĐH là chính yếu.
Tự động hoá là hệ thống điều khiển, nó kết nối quá trình công nghệ với thiết bị máy móc, chính nhờ hệ thống điều khiển đã làm công nghệ hoàn chính thêm và trực tiếp nâng cao lợi ích kinh tế của dây chuyền.
Càng về sau này không còn nghi ngờ gì nữa với thế hệ mới của máy móc hiện đại Công nghệ cao, trong đó là TĐH sẽ góp phần quyết định tốc độ, giá trị và chất lượng của tăng trưởng GDP của quốc gia. Hãy ý thức được điều đó mà chiếm lĩnh đỉnh cao của khoa học vì mục tiêu phát triển kinh tế xã hội.
Ta đã thấy từ vi mô (trong nhà) đến vĩ mô (Sản xuất và Xã hội) TĐH đã và ngày càng là nhân tố không thể thiếu được. Xã hội càng tiến lên thì vai trò của kinh tế tri thức càng lớn, vị thế của TĐH càng được tôn sùng.
Người Việt Nam ta rất nhạy bén ý thức được tầm quan trọng của công nghệ cao mà các nhà đầu tư, nhà sản xuất săn tìm thiết bị, thậm chí là thiết bị hàng đầu của thế giới để nhập về và khai thác nó. Những dây chuyền sản xuất này đã mang lại lợi nhuận kỳ vọng cho họ. Và thế là sản xuất ở Việt Nam có một số lĩnh vực cạnh tranh được với thế giới bằng chính máy móc của thế giới.
Việc đầu tư nâng cấp dây chuyền sản xuất làm thông minh hoá các bộ não của thiết bị được đặt ra như một sự tự nhiên trong nền kinh tế cạnh tranh hiện nay. Nhờ đó mà đất nước chúng ta càng có được kỹ thuật ở tầm cao của thế giới. Về mặt nào đó các nhà Doanh nghiệp (DN) đã biết khai thác giá trị “phẳng“ của thế giới, quả là điều đáng mừng.
Nhưng các nhà DN không thể biết được đầy đủ giá trị của dây chuyền ấy chứa đựng thành phần không nhỏ giá trị vô hình do sản phẩm trí tuệ tạo nên. Họ mua nó và chịu sự lệ thuộc vào bản hãng(!).
Và đây là phần đầu của câu hỏi TĐH cần ai?
Chúng ta có nên và có thể làm ra những sản phẩm như đã nhập khẩu? Không ai trả lời là không nhưng hầu như đều chấp nhận sự trả giá khắc nghiệt này. Dĩ nhiên là các cơ sở kinh doanh không bao giờ nghĩ đến đầu tư cho phần ảo mà lợi nhuận không sờ tới được. Còn nhà nước thì Chiến lược phát triển ngành TĐH cho đến nay chưa hình thành! mặc dầu Chương trình TĐH đã được khởi xướng từ năm 1986.
Nhà nước đã duyệt đề án xây dựng nước mạnh về CNTT -TT, còn TĐH chưa thấy nhen nhóm ý tưởng?
Những nhà khoa học về TĐH đang “lăn như bống” để tìm cách thâm nhập ngành này song không có chiến lược dẫn đường thì nghiên cứu tự phát chỉ với cái đầu riêng lẻ chẳng khác gì như dọt dầu trôi theo dòng nước xoáy.
Sức mạnh của TĐH là ở tính hệ thống và cũng chỉ phát huy được khi hệ thống này được kích hoạt. Chúng ta đang lao động theo ý chí tự phát và chính những lao động đơn độc này đang kìm hãm sự tiến bộ của ngành.
Một câu hỏi lớn thực lớn đặt ra: Tại sao không ra được chiến lược cho ngành và lỗi tại ai?
Nói cho cùng thì lỗi tại chúng ta, lãnh đạo cấp cao có mấy ai chuyên ngành tự động hoá mà hiểu được TĐH là lõi của mọi vấn đề với phát triển Kinh tế Xã hội. Chỉ những nhà TĐH mới thấy được hết giá trị của nó nhưng chưa bao giờ làm cho lãnh đạo thấy được vấn đề bức xúc này.
Gần 30 năm chương trình TĐH họat động, bao nhiêu hội thảo khoa học và hội nghị khoa học VICA, chưa bao giờ hình thành được văn bản đầy đủ về chiến lược phát triển Ngành, mặc dù chúng ta nói rất nhiều trong các cuộc họp về sự cần thiết của TĐH. Nhiều người đã nói “ta nói ta nghe” đến mức tự chúng ta phải thốt lên “biết rồi khổ lắm nói mãi”!
Nhà nước cũng đã đầu tư không ít những phòng thí nghiệm trọng điểm (PTNTĐ) song đến bây giờ kết quả có quá thất vọng không? Thực ra là chiến lược chung cò chưa có thì họ tự làm để tồn tại cũng là một cách để thoát vậy! Các PTNTĐ này được thành lập không có chỉ tiêu cho họ phấn đấu và kiểm sóat, chỉ mới tạo cơ hội cho họ tự bơi và tự sống để tồn tại. Như thế thật là không đúng.
Chúng ta thường tự hào người Việt Nam có tư chất thông minh có tinh thần sáng tạo. Tiền đề ấy sao không khai thác để đặt ra nhiệm vụ làm ra một vài sản phẩm về TĐH ngang tầm với các nước khác.
Có thể nhiều nhà khoa học chúng ta vẫn còn khiêm tốn (có khi còn tự ti) cho rằng mình chỉ khai thác của họ là hợp sức. Khi tôi nêu trong buổi thảo luận của Bộ KH&CN về chiến lược KH-CN là đến năm 2020 ta phấn đấu có 1 sản phẩm phần mềm TĐH (với những căn cứ về khoa học, về con người, về cơ sở vật chất, về biện pháp tổ chức…) thì chính những nhà Khoa học trong hội thảo vẫn còn cho là ảo tưởng.
Thế giới bây giờ “phẳng” thông tin và trí óc giúp ta tiếp cận đến vấn đề nhanh hơn. Phải có quan tâm và nhất là phải có sự chỉ đạo cho Nhà nước mới thành hiện thực.
Đấy là bài toán không dễ, nhưng không đi vào chỗ khó thì thành công đâu có giá trị. Các nước phương tây phát triển hệ thống TĐH này từ lâu. Ở Trung Quốc hiện nay đã có một số hãng từng phát triển TĐH thành công như hãng TĐH Supcon đã chiếm lĩnh một số thị trường nước ngoài .
Hiện nay đã có đề án Nước mạnh về CNTT - TT, theo hướng ấy chúng ta cũng tập hợp các nhà TĐH tâm huyết lập đề án cho phát triển Ngành và phải trình được tới Chính Phủ . Thật là có lỗi nếu chúng ta cứ để ngành này tự phiêu bạt như hiện nay.
Nhân 50 năm ngành TĐH của ĐHBK Hà Nội, một trong những cái nôi của ngành, những người làm về TĐH cần xích lại cạnh nhau cùng lao động, cống hiến vì sự phát triển TĐH Việt Nam, xứng đáng với vị trí mà ngành kỳ vọng vì Đất nước.
Mỗi người trong chúng ta thấy trách nhiệm của mình về ngành đó là điều cơ bản. Các tổ chức, đơn vị có cơ sở của ngành lãnh trách nhiệm tập hợp tài năng, các công trình khoa học, trí tuệ làm điểm tựa . Đặc biệt các cơ quan quản lý các đề tài, chương trình KHCN hỗ trợ để các đề xuất về chiến lược phát triển ngành thành hiện thực. Hy vọng trong thời gian ngắn nhất hướng đi cho ngành được phát lộ.
OKS - One Key Services
0 nhận xét