18/02/2017
Sản xuất ô tô và phụ tùng ô tô sẽ là một trong sáu ngành công nghiệp ưu tiên trong chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản trong thời gian tới mà Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt.
Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam-Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030 được Chính phủ phê duyệt vào ngày 1-7, trong đó đáng chú ý là sẽ phát triển vượt bậc ngành sản xuất ô tô và phụ tùng ô tô (vốn rất yếu của Việt Nam hiện nay - pv) thành những ngành công nghiệp chủ lực của nền kinh tế, có giá trị gia tăng cao và năng lực cạnh tranh quốc tế. Theo quyết định này, ngoài sản xuất ô tô và phụ tùng ô tô, còn có năm ngành công nghiệp khác cần ưu tiên ưu tiên hợp tác phát triển với Nhật Bản là điện tử; máy nông nghiệp; chế biến nông, thủy sản; đóng tàu; môi trường và tiết kiệm năng lượng. Đến năm 2020, sản xuất ô tô và phụ tùng ô tô cùng năm ngành khác được ưu tiên phát triển nói trên sẽ đi đầu trong áp dụng công nghệ cao, công nghệ sạch gắn với đảm bảo tính hợp lý về điều kiện kinh tế của Việt Nam; giá trị sản xuất của các ngành ưu tiên tăng tối thiểu 20% hằng năm và đóng góp tối thiểu 35% vào tổng giá trị sản xuất ngành công nghiệp; đứng trong số 10 ngành có tốc độ tăng năng suất lao động cao nhất. Nhật Bản cùng các doanh nghiệp ô tô đã nhiều lần đề nghị Việt Nam cần xây dựng một kế hoạch hành động phát triển công nghiệp ô tô. Trong đó, vấn đề quan trọng là xây dựng các chính sách ưu đãi để thu hút các doanh nghiệp đầu tư lớn cho ngành công nghiệp này. Để nhà sản xuất có tiếp tục đầu tư vào Việt Nam, trước hết căn cứ vào mức tiêu thụ của thị trường có đủ lớn cùng các định hướng phát triển ô tô dài hạn của Chính phủ để từ đó nhà sản xuất dự báo được thị trường và đi tới quyết định sản xuất. Với định hướng này, gần đây Bộ Công Thương đã xây dựng các chính sách ưu đãi để thúc đẩy công nghiệp ô tô, đặc biệt là về các mức thuế. Theo đó, Bộ Công Thương đề nghị các phương án: giảm 30% thuế tiêu thụ đặc biệt và 50% lệ phí trước bạ cho dòng xe có dung tích xi lanh dưới 2.0L; hoặc giảm 50% thuế tiêu thụ đặc biệt và lệ phí trước bạ cho dòng xe dưới 2.0L; giảm 70% thuế tiêu thụ đặc biệt và lệ phí trước bạ cho dòng xe chiến lược. Bên cạnh đó, áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu 0% hoặc mức sàn với các linh kiện trong nước chưa sản xuất được. Giữ mức thuế nhập khẩu cao với xe nguyên chiếc cho tới 2018 mới hạ về 0%. Trước các đề xuất của Bộ Công Thương, các cơ quan chức năng đang nghiêng về phương án giảm 50% thuế tiêu thụ đặc biệt và lệ phí trước bạ cho xe dưới 2.0L; giảm 70% thuế tiêu thụ đặc biệt và lệ phí trước bạ cho dòng xe chiến lược.
|
0 nhận xét